Sáng 26/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.
Những dấu ấn nổi bật
![]() |
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị |
Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
Theo báo cáo, ngành LĐ-TB&XH trong năm qua đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023; các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.
Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.
Đáng chú ý, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 155.000 người, vượt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đã cho thấy sự bứt phá ngoạn mục.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn.
Bên cạnh đó, công tác trợ giúp xã hội; nghiên cứu, mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp xã hội cũng được nâng cao hiệu quả. Cụ thể, chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho 3,356 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí trên 27 nghìn tỷ đồng; có 14 tỉnh, thành phố chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp cao hơn mức quy định cho khoảng 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng.
Ngoài ra, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của hộ nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao. An sinh xã hội luôn được đảm bảo.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu đề ra.
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 là 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022... Ngoài ra, các lĩnh vực khác đều được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả tốt.
Tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao